Chuột rút là tình trạng co cứng cơ rất thường gặp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ ai. Chắc chắn mỗi người trong chúng ta dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi, dù nam hay nữ, công việc văn phòng hay việc vất vả nặng nhọc…đều ít nhất đã từng bị chuột rút 1 hoặc nhiều lần nên không xa lạ gì cảm giác đau đớn, khó chịu bất ngờ do bị chuột rút.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuột rút dễ xảy ra hơn ở những người cao tuổi, những người vận động thể chất quá sức, nhất là những người chơi thể thao mà không khởi động kỹ trước khi tập luyện.
Chuột rút có thể xảy ra ở bất kì khối cơ nào, nhưng cơ chân và cơ tay là những bộ phận thường gặp nhất. Dấu hiệu bị chuột rút là khối cơ bị co rút lại và căng cứng lên, sờ vào thấy rắn và đau nhức; các ngón chân, ngón tay tùy theo khối cơ bị chuột rút sẽ co quắp không thể duỗi ra được.
Nguyên nhân gây ra chuột rút là do các cơ bị vận động quá mức nên mệt mỏi; cũng có trường hợp chuột rút là triệu chứng của một số bệnh lý như giãn tính mạch, thiếu canxi, viêm dây thần kinh…
Thông thường, tình trạng chuột rút không kéo dài quá lâu, các cơ sẽ tự phục hồi về trạng thái bình thường sau 1 vài phút; vì vậy rất nhiều người thường không quan tâm đến tình trạng này và không coi chuột rút là 1 bệnh. Mặc dù vậy, chuột rút sẽ rất nguy hiểm nếu xuất hiện bất ngờ khi chúng ta đang vận động, ví dụ như đang chạy xe, đang bơi, đi lại, chạy nhảy…vì sẽ gây chấn thương. Do đó, chúng ta cần tham khảo một số cách ngăn ngừa và giảm tình trạng chuột rút để áp dụng khi cần.
Massage là một trong những cách giảm chuột rút hiệu quả và đơn giản bất cứ ai cũng có thể tự thực hiện. Massage có tác dụng giúp cơ bắp thả lỏng và thư giãn, giảm tình trạng căng cứng cơ là nguyên nhân dẫn đến chuột rút thường gặp nhất.
Cách massage là tùy vào vị trí khối cơ bị chuột rút, dùng bàn tay ôm phần cơ bắp và nắn bóp nhẹ nhàng; tiếp theo, xoa xát cơ bắp cho nóng ấm lên để làm mềm cơ.
Cụ thể, với trường hợp bị chuột rút ở chân, các bạn dùng bàn tay vuốt, miết dọc bắp chân nhiều lần từ trên xuống dưới. Ở giữa nếp ngang kheo chân có huyệt Ủy trung, hãy dùng đầu ngón tay cái day ấn tại điểm huyệt theo chuyển động tròn.
Tiếp theo, xoa bóp nhẹ nhàng toàn bộ bàn chân, các ngón chân; làm động tác cử động cẳng chân gập vào duỗi ra; sau đó từ từ đứng dậy và thả lỏng chân để giải tỏa sự co cứng.
Tương tự khi bị chuột rút tay, các bạn cũng làm động tác xoa bóp từ bả vai đến cổ tay, bàn tay và từng ngón tay; sau đó co duỗi khuỷu tay để giảm triệu chứng chuột rút.
Để hiểu rõ và trị tận gốc tình trạng chuột rút nếu xảy ra thường xuyên và ngày càng kéo dài, các bạn nên đi khám bác sỹ để tìm nguyên nhân gây chuột rút. Bên cạnh đó, lưu ý phải khởi động kỹ trước khi tập tể dục thể thao; không vận động đột ngột; Thường xuyên xoa bóp cơ thể, nhất là chân, tay…để thư giãn cơ bắp.