Phương pháp massage an thai

Ngày đăng 23/02/2023 15:07

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có rất nhiều thay đổi nên cần được chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi. Massage xoa bóp là phương pháp chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu và giúp an thai hiệu quả; được các bác sĩ khuyến khích và mẹ bầu tin tưởng.

Những lợi ích của việc massage cho mẹ bầu đã được ghi nhận qua nhiều nghiên cứu khoa học và áp dụng thực tế. Cụ thể, massage giúp tăng cường lưu thông máu, ổn định huyết áp; giảm căng thẳng, stress; giảm các triệu chứng khó chịu thường gặp khi mang thai như chuột rút, phù nề chân, đau mỏi xương khớp …Không những vậy, massage xoa bóp còn được ghi nhận có thể hỗ trợ quá trình chuyển dạ, sinh nở của mẹ bầu được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đặc biệt, massage trong thai kỳ cũng giúp cho thai nhi phát triển ổn định và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, thời kỳ mang thai cơ thể của người mẹ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương; do đó khi thực hiện massage cho bà bầu, người thực hiện massage cần phải hết sức thận trọng khi tác động và quan trọng nhất là cần massage đúng cách mới đảm bảo hiệu quả và an toàn. Lưu ý, không nên massage cho những người có nguy cơ sinh non, bị rối loạn đông máu hoặc có những bệnh lý chống chỉ định thì cần nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện massage. 

Phương pháp massage an thai

Ngoài ra, không nên thực hiện massage trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì giai đoạn này thai nhi chưa phát triển ổn định rất dễ bị động thai. Trong quá trình massage cho mẹ bầu nên thường xuyên quan sát biểu hiện cũng như quan tâm đến cảm nhận của mẹ bầu để nếu có những bất thường như buồn nôn, chóng mặt hay khó chịu thì cần dừng lại ngay lập tức và để mẹ bầu nằm nghỉ ngơi thư giãn.

Sau đây là một số phương pháp massage cho mẹ bầu các bạn có thể tham khảo:

Trước hết, mẹ bầu nên vào tư thế nằm ngửa, thả lỏng toàn thân. Dùng tay xoa nhẹ nhàng vào khu vực bụng theo hướng từ trên xuống dưới và từ trái qua phải. Tiếp theo, dùng các đầu ngón tay ấn nhẹ vào vùng bụng cũng theo hướng từ trên xuống dưới và từ trái qua phải trong khoảng 2-3 phút. Các động tác này có lợi ích giúp thai nhi tích cực cử động và có sự tương tác với người mẹ.

Ngoài massage khu vực bụng, mẹ bầu cũng cần được thực hiện massage ở vùng đầu với những động tác xoa bóp, day ấn, vuốt, miết da đầu để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, giảm đau đầu mất ngủ; mang lại sự thoải mái dễ chịu. 

Bộ phận tiếp theo là massage bàn chân để kích thích máu lưu thông tốt hơn, giảm triệu chứng tích nước, sưng phù ở bắp chân và bàn chân. Các bạn chỉ cần thực hiện các động tác xoa bóp nhẹ nhàng toàn bộ bàn chân, đặc biệt là gót chân để giảm đau mỏi.

Cuối cùng là khu vực lưng là bộ phận cũng phải chịu rất nhiều áp lực và rất dễ bị nhức mỏi trong quá trình mang thai. Massage lưng cho mẹ bầu bằng cách thực hiện các động tác xoa bóp, vuốt, miết từ vai xuống đến hông. Các bạn chú ý chỉ tác động vào hai bên cơ bắp chạy dọc cột sống chứ không tác động trực tiếp vào đốt sống. Nên tác động vào vùng lưng cho mẹ bầu ở tư thế ngồi thả lỏng hoặc nằm nghiêng.